Quân Kim phản công Chiến_tranh_Kim-Tống_(1206-1208)

Chiến sự ở Lưỡng Hoài

Tháng 11 ÂL năm 1206, Bộc Tán Quỹ phân quân thành chín lộ đánh xuống phía nam. Đích thân Bộc Tán Quỹ đem ba vạn quân xuất phát từ Dĩnh, Thọ, Hoàn Nhan Khuông với 25000 quân xuất phát từ Đường, Đặng; Ngột Thạch Liệt Tử Nhân đem 30000 quân từ Qua Khẩu, Hồ Sa Hổ đem 20000 quân Sơn Đông xuất phát từ cửa Thanh Hà, Hoàn Nhan Sung với 10000 quân Quan Trung xuất phát từ Trần Thường, 10000 Kì, Lũng quân của Bồ Sát Trinh xuất phát từ Thành Kỉ, Hoàn Nhan Cương đem 10000 quân Hán, Phàn xuất phát từ Lâm Đàm, Thạch Mạ Trọng Ôn đem 5000 quân Lũng Hữu xuất phát từ Diêm Xuyên. Hoàn Nhan Lân đem 5000 quân xuất phát từ Lai Viễn[2]. Hàn Thác Trụ thất kinh, vội điều Khâu Sùng giữ chức Thiêm thư Xu mật viện sự, đốc binh mã Giang Hoài để chống Kim. Có người khuyên Khâu Sùng bỏ Hoài, giữ Giang. Khâu Sùng nói

Nếu bỏ Hoài thì địch sẽ áp sát Giang. Ngang nhiên dâng hiểm địa Trường Giang cho địch thì đại sự còn gì nữa. Ta chỉ còn biết sống chết với Hoài Nam, không còn cách nào.

Trong khi đó người Kim liên tục tiến công. Hồ Sa Hổ nhanh chóng vượt sông Hoài qua ngả Thanh Hà Khẩu tiến vào đất Tống, vây khốn Sở châu, Hoàn Nhan Khuông phá Tảo Dương quân và vây khốn Quang Hóa, Giang Lăng phó đô thống Ngụy Hữu Lượng phải bỏ chạy. Bộc Tán Quỹ cũng đã vượt Hoài, các tướng Hà Nhữ Lệ, Diêu Công Tá bỏ thành mà chạy. Quân Kim nhanh chóng đoạt Dĩnh Khẩu, hạ An Phong quân và huyện Hoắc Khâu, đánh sang Hợp Phì, Ngột Thạch Liệt Tử Nhân phá Trừ châu, cả Giang Hoài rúng động. Triệu Thuần cho đốt Phàn Thành rồi lui quân về phía nam. Cánh quân của Hoàn Nhan Khuông tấn công Tín Dương, Tương Dương, Tùy châu và phủ Đức An, cả Giang Hoài rúng động. Thái hoàng thái hậu Tạ thị phải xuất hơn triệu quan tiền khao tướng sĩ chư lộ để khích lệ. Khi đó Quách Nghê đưa quân cứu Chân châu nhưng thất bại, quân tan rã; phó tướng Tất Tái Ngộ đưa quân đến Lục Hợp chống cự. Tử Nhân thúc quân đánh tiếp, Tái Ngộ dùng phục binh ở Nam Môn, thân cầm quân cung nỏ án trên mặt thành chờ giặc tới. Khi quân Kim tiến sát chân thành, Tái Ngộ cho quân nhất tề bắn tên xuống khiến quân Kim thương vong rất nhiều, lại thêm quân mai phục từ hai bên xông ra kẹp đánh khiến giặc Kim tan rã. Hôm sau, Tử Nhân lại đánh thành, mà tên của Tống đã gần hết, Tái Ngộ dùng kế lấy tên của địch để đánh địch, liền cho vác cờ lớn quanh thành, quân Kim cứ chăm chắm bắn vào, thế là đã dâng vô số mũi tên cho quân Tống. Quân Tống lấy tên đó bắn lại, quân của Tử Nhân thua trận liên tục.

Bộc Tán Quỹ thấy không thể đánh nhanh thắng nhanh nên sinh ra mệt mỏi, lại thêm tình hình Thiểm Tây bất lợi bèn nảy ra ý giảng hòa, mới sai Hàn Nguyên Tĩnh (cháu năm đời của Ngụy Trung Hiến vương Hàn Kì) sang trại quân Tống bàn định nghị hòa, đe dọa sẽ san phẳng phần mộ tông tộc Hàn thị ở Tương châu. Hàn Nguyên Tĩnh sang Tống báo với Khâu Sùng ý định nghị hòa của người Kim. Khâu Sùng cũng sai Lưu Tá đến gặp Bộc Tán Quỹ yêu cầu văn thư nghị hòa và các điều khoản. Bộc Tán Quỹ muốn triều Tống xưng thần, cắt đất, nộp đầu kẻ gây sự, Khâu Sùng trả lời bọn Tô Sư Đán đã bị cách chức, Bộc Tán Quỹ nói

Hàn Thác Trụ nếu không muốn dùng binh thì Tô Sư Đán có dám gây sự không. Rõ ràng các vị đang lừa ta[2].

Rồi sai Vương Văn về báo. Khâu Sùng sai sứ sang trại Kim, hứa trả lại Hoài Bắc và tiền triều cống trong năm. Về phần Bộc Tán Quỹ cũng cảm thấy thủy thổ Giang Nam không thích hợp, muốn dưỡng quân, nên tạm đồng ý lui quân về Hạ Thái.

Tình hình ở bốn châu Thiểm Tây

Hàn Thác Trụ thấy người Kim muốn có thủ cấp của mình thì rất lo sợ liền sai đốc thúc Ngô Hi tiếp tục ra quân nhằm giành lại ưu thế cho hòa nghị về sau. Nhưng người Kim lại sai Diêu Nguyên Thần đến dụ Ngô Hi làm phản, hứa phong Hi làm Thục vương, nên Hi lệnh bộ tướng Vương Hỉ phải lui quân. Vào năm 1207, tướng Kim Bồ Sát Trinh tấn công vào Hòa châu và Đại Tản quan, Ngô Hi không đánh tự lui và còn nộp sổ sách cho người Kim. Tướng Hoàn Nhan Cương được lệnh Kim Chương Tông đến Thục sách phong Ngô Hi làm Thục vương. Hi lui quân về Hưng châu, loan tin Lâm An thất thủ, xa giá đã rời đến Tứ Minh để lung lạc tướng sĩ. Bộ tướng Vương Dực, Vương Quỹ Chi nói

Chưa có tin miền đông nam thất thủ, đại nhân tại sao ăn nói vô cớ như vậy. Mà dù cho miền đông nam có nguy cấp thật cũng phải tận trung báo quốc, nếu không thì coi như đã vứt bỏ lòng trung liệt hơn 80 năm nay của dòng họ[5].

Hi không nghe. Tháng 11 ÂL năm 1206, Hi lại sai dâng bản đồ đất Thục và bốn châu Thiểm Tây Giới[6], Thành[7], Hòa[8], Phượng[9] cho Kim rồi sai gửi thư cho Trình Tùng đang ở Hưng Nguyên, đại ý nói người Kim muốn lấy hết Thiểm Tây, bảo Tùng xem giữ được nơi nào thì giữ, còn giữ không được thì dâng cho họ đi. Trình Tùng kinh hoàng, nhưng vì lúc đó quân Kim kéo tới, Tùng phải chạy về hướng tây, xuôi dòng đến Trùng Khánh, sai người cầu viện Hi, xin Ngô Hi thương tình cung cấp cho tiền bạc để sắm sửa thuyền bè chạy trốn, sau đó chạy về nam[2].

Đầu năm 1207, Khâu Sùng sai người về triều báo về đòi hỏi giết kẻ chủ mưu của Bộc Tán Quỹ. Hàn Thác Trụ giận quá liền bãi chức tuyên phủ sứ của Khâu Sùng, dùng Trương Nham lên thay, lại định phong Ngô Hi làm Thục vương nhưng không ngờ Hi đã hàng Kim[10]. Trong lúc đó quân Kim lại chuẩn bị đánh tiếp, đã phá Giai châu, đánh Tương Dương. Ở đất Thục, tên bán nước Ngô Hi đã lệnh bộ tướng Lợi Cát đưa quân Kim vào Thiểm, lại dâng bản đồ của bốn châu, lấy Tiền Sơn làm giới hạn. Hi lấy Hưng châu là hành cung, đổi niên hiệu, sắp đặt trăm quan y hệt như một tiểu triều đình. Hi lại chia 10 vạn quân của mình ra 10 đội, đặt thống soái, cho Lộc Kì, Phòng Đại Huân giữ Vạn châu, ngầm hẹn với người Kim cùng giáp công vào Tương Dương, dùng Tùy quân chuyển vận sứ An Bính làm Thừa tướng trưởng sử. Nhưng An Bính lại là một trung thần, không chịu được sự gian trá phản chủ của Hi, nên tìm cách chống lại. Triều đình lúc này cử Dương Phụ đến làm Tứ Xuyên chế trí sứ thay cho Trình Tùng cũng bị Ngô Hi đuổi đi[10].

Lúc này ở mặt trận Giang Hoài quân Tống dần lấy lại ưu thế. Mùa xuân năm 1207, Bộc Tán Quỹ bị bệnh rồi chết, các cánh quân do Hoàn Nhan Khuông chỉ huy do không hợp thủy thổ nên dịch bệnh bùng phát phải lui về Biện Kinh. Về đất Thục, An Bính đã liên kết được với Tưởng Cự Nguyện, Lý Hảo Nghĩa, Dương Quân Ngọc, Lý Khôn Thần... tổng cộng 18 người cùng nhau hợp sức diệt nghịch tặc. Nhân đêm tối, Hảo Nghĩa dẫn người xông vào ngụy cung, giết chết Ngô Hi, rồi tôn An Bính là Quyền Tứ Xuyên tuyên phủ sứ, chở thủ cấp của Hi cùng những ấn tín sắc phong của người Kim về triều. Ninh Tông hạ lệnh dâng cúng thủ cấp Ngô Hi ở thái miếu rồi bêu ngoài chợ ba ngày, lại đoạt quan tước của phụ thân Hi là Ngô Định, giết vợ con của Hi, dời con cháu Ngô Lân ra đất Thục, Lân vẫn được thờ trong miếu, riêng con cháu Ngô Giới được miễn truy xét[10], phía tây đã yên ổn trở lại. Tháng 3 ÂL năm đó, triều đình cho chém ngụy Tứ Xuyên đô chuyển vận sứ Từ Cảnh Vọng ở Lợi châu, lấy Dương Phụ, An Bính làm Tứ Xuyên tuyên phủ sứ và phó sứ, Hứa Dịch làm tuyên dụ sứ. Ngày 7 tháng 3 An Bính xuất quân đoạt Đại Tản quan, thu phục lại bốn châu Tứ Xuyên vừa bị Ngô Hi dâng cho Kim.